Những phi công Thần phong Thần_phong

Chân dung một phi công Kamikaze trẻ tuổi: Trung úy Yukio Seki

Nói đến thành công của chiến thuật Kamiakaze không thể không kể đến sự hi sinh anh dũng của những phi công cảm tử trong quân đội Nhật. Nhật hoàng Hirohito đã đọc diễn văn ca ngợi những chàng trai trẻ tuổi đã "chết hạnh phúc và tự hào vì hoàng đế và sự chiến thắng". Điều đáng ngạc nhiên là số người tự nguyện hi sinh lên tới vài vạn, nhiều gấp 10 lần số máy bay quân đội Nhật Bản có lúc đó. Những người tự nguyện xem sự hi sinh của mình là điều cống hiến cao cả cho đất nước, đền đáp lại công ơn Thiên hoàng trong hoàn cảnh khó khăn, và niềm tin rằng sau khi hy sinh thì họ sẽ trở thành những anh linh dân tộc được hậu thế thờ phụng và ngưỡng mộ.

Tuy nhiên cũng có nhiều người tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của chiến thuật kamikaze, trong đó có cả các phi công nổi tiếng. Trung úy Yukio Seki, phi công kamikaze thứ 24 trong đội đặc nhiệm tham gia đánh chìm hàng không mẫu hạm St. Lo viết: "Tương lai Nhật Bản thật ảm đạm nếu như chúng ta buộc phải hy sinh những phi công giỏi nhất của mình. Tôi tham gia chiến dịch này không vì Đế quốc Nhật hay vì Hoàng Đế... Tôi tham gia vì tôi được lệnh phải tham gia!" Trong chuyến bay, chỉ huy của anh nghe thấy anh nói "Thà chết còn hơn sống như một kẻ hèn hạ."[7]

Do số người tình nguyện lớn, nên nhìn chung người ta không có khó khăn tuyển mộ phi công. Yêu cầu rất đơn giản: "trẻ tuổi, nhanh nhẹn và hăng hái. Chỉ cần kinh nghiệm bay ở mức tối thiểu, kỹ năng hạ cánh không cần thiết". Đại tá Motoharu Okamura nhận xét "có nhiều người tình nguyện cho các phi vụ cảm tử đến mức đông như đàn ong, vì ‘ong chết sau khi đốt’".[8] Các phi công Kamikaze tin tưởng bằng sự hy sinh của mình, họ đã đền đáp lại công ơn gia đình, bạn bè và Thiên hoàng. "Họ hăng hái đến mức khi chuyến bay bị trì hoãn hay hủy bỏ, thì các phi công trẻ được huấn luyện sơ sài này tỏ ra hết sức bực dọc. Nhiều người sau khi được chọn thực hiện các phi vụ cảm tử được kể lại là rất hân hoan vui sướng trước phi vụ cuối cùng của mình".[9].

Chế độ huấn luyện

Những người tình nguyện hi sinh bao gồm nhiều thành phần, từ phi công chính quy, binh lính cho đến cả sinh viên. Những người không phải phi công sẽ được huấn luyện theo một chế độ rút gọn đặc biệt chỉ trong vòng 7 ngày: 2 ngày cho việc cất cánh với 1 quả bom 250 kg; 2 ngày cho việc bay theo đội hình và 3 ngày tập cách tiếp cận mục tiêu và tấn công.

Các phi công được cấp một bản hướng dẫn chi tiết về cách tiến hành tiến công cảm tử. Theo đó phi công phải bổ nhào nhắm vào giữa tháp chỉ huy và ống khói, vì đó là cách hiệu quả nhất để đánh chìm tàu. Phi công cũng được dặn không nên nhắm vào đài chỉ huy hay tháp pháo, mà nên nhắm vào cầu thang máy hoặc boong tàu. Nếu tiếp cận từ đường chân trời thì phi công nên "nhắm vào thân tàu, cao hơn mặt nước biển một chút", hoặc "nhắm vào cửa khoang chứa máy bay hoặc chân ống khói".

Thời khắc ra đi mãi mãi

Nữ sinh trường trung học Chiran vẫy cành hoa anh đào (biểu tượng cho tinh thần "Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, coi nghĩa vụ nặng tựa Thái sơn" của một võ sĩ đạo) để vĩnh biệt một phi công Thần phong, trung úy Toshio Anazawa, xuất kích trên chiếc Nakajima Ki-43 Hayabusa, ngày 12/4/1945

Vào buổi chiều trước ngày xuất phát, người chỉ huy trưởng căn cứ thông báo cho họ biết lệnh xuất phát vào ngày hôm sau và họ còn một đêm cuối cùng để viết một bức thư cuối cùng cho người thân trước khi ra đi mãi mãi vào hôm sau.

Sáng sớm, sau buổi thuyết trình ca ngợi sự hi sinh, họ có mặt trong bộ đồ phi công, đeo bên mình thanh kiếm Nhật, biểu tượng cho tinh thần sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của một võ sĩ đạo. Đầu họ thường quấn chiếc băng chéo thiêu nổi hình mặt trời mọc, quốc kỳ của Đế quốc Nhật Bản. Các phi công được nhận một chiếc bánh gạo nướng, một nghi lễ ở Nhật Bản tượng trưng cho lời chia tay. Chỉ huy trưởng căn cứ trao cho mỗi người một ly rượu sake, tất cả nghiêng mình về hướng cung điện để tỏ lòng tôn kính Nhật hoàng trước khi leo lên máy bay trong sự tán dương của những người còn lại. Trong suốt chuyến bay, các chỉ huy liên tục nói qua liên lạc radio rằng "Chết một cách vinh quang hơn là sống như một kẻ hèn nhát”.

Trước khi bước vào nhiệm vụ sau cùng, các phi công Kamikaze để lại thư vĩnh biệt gửi người thân. Một trong các bức thư là của Kunio Shimizu, 20 tuổi, phi công trên chiếc Nakajima B6N đã hy sinh ngày 21/2/1945 trong trận Iwo Jima, gửi cho cha mẹ[10]:

Tình hình chiến tranh thực sự đã lên đến đỉnh điểm về cường độ. Bây giờ đã đến lúc con quyết tâm hy sinh vì Tổ quốc. Cha mẹ ơi, bao nhiêu lo lắng mà con gây ra cho cha mẹ là không thể đong đếm được. Cuối cùng, khát khao nhiệt thành của con đã được đền đáp, và điều đó đã cho con lòng dũng cảm xuất trận, làm lá chắn cho Tổ quốc và Thiên Hoàng.Thưa Cha mẹ, bây giờ con rơi nước mắt biết ơn vì tấm lòng ấm áp của cha mẹ dành cho con. Tuy nhiên, bây giờ con đã nhận được lệnh của Bộ chỉ huy Hoàng gia. Con tin tưởng rằng việc tận trung phụng sự Thiên Hoàng thông qua Quân đoàn tấn công đặc biệt sẽ là hành động báo hiếu lớn nhất của con.Ngày mai, theo kế hoạch chúng con sẽ tiến đến Iwo Jima và sau đó thực hiện một cuộc tấn công... Con vui lòng ngã xuống như một cánh hoa anh đào trong quân đội của Thiên Hoàng. Con cầu chúc cho cha mẹ có đủ khả năng chăm sóc bản thân và sẽ được khỏe mạnh dài lâu.Với lòng dũng cảm bất khuất, con sẽ lao mình vào tàu địch. Bằng lời văn vụng về này, con xin kết thúc bức thư cuối cùng này khi cố nén những giọt nước mắt nóng hổi. Con cầu nguyện cho sức khỏe của mọi người.Con không hối hận. Tất cả vì đất nước. Với quyết tâm như vậy, con tha thiết xin cha mẹ đừng đau buồn kể cả khi biết tin con đã hy sinh trong trận đánh... Vậy thì, lần sau con sẽ gặp cha mẹ ở đền Yasukuni vào mùa xuân, khi những bông hoa anh đào nở rộ... Cuối cùng, một lần nữa con cầu nguyện cho sức khỏe của gia đình.

Cuộc sống sau chiến tranh

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiên hoàng Hirohito đọc tuyện bố đầu hàng vô điều kiện, một số người không chịu đựng được nỗi nhục thất trận đã mổ bụng tự sát theo tinh thần võ sĩ đạo người Nhật. Hàng ngàn phi công trở về nhà bị lãng quên trong thời kì sau chiến tranh. Một số người cùng với những người khác xây dựng lại đất nước và khắc phục hậu quả chiến tranh, một số gia nhập Đảng Cộng sản Nhật Bản trong những năm 1946-1948, số khác bị khủng hoảng tinh thần và chỉ sau thập niên 1950, khi nền kinh tế Nhật Bản dần dần phục hồi, nhiều người trong số họ trở thành công nhân trong các hãng sản xuất lớn như: Sony, Honda, Denzu

Quá khứ của các phi công Thần Phong tuy đau thương nhưng cũng không kém phần hào hùng. Họ đã trở thành biểu tượng của cả một giai đoạn lịch sử nước Nhật, khi người Nhật sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước và cống hiến cho Thiên Hoàng, điều đã phai nhạt đi rất nhiều trong xã hội Nhật Bản hiện nay. Nhiều nhóm dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản muốn làm sống dậy hình ảnh của các phi công Kamikaze, khi mà thế hệ người Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến 2 đã trở nên vô cảm và ích kỷ, ngày càng ít người sẵn lòng cống hiến cho đất nước. Trong một cuộc khảo sát tại một số quốc gia vào năm 2015 của Viện Gallup cho thấy: chỉ 11% người Nhật được hỏi sẽ sẵn sàng chiến đấu vì đất nước của họ, mức thấp nhất trong các quốc gia được khảo sát (trong khi Pakistan là 89%, Ấn Độ 75%, Thổ Nhĩ Kỳ 73%, Trung Quốc 71%, Nga 59%, Mỹ 44%, Anh 27%)[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thần_phong http://www.ww2australia.gov.au/waratsea/kamikaze.h... http://www.j-aircraft.com/research/rdunn/hms_aust/... http://wgordon.web.wesleyan.edu/kamikaze/backgroun... http://wgordon.web.wesleyan.edu/kamikaze/books/gen... http://wgordon.web.wesleyan.edu/kamikaze/writings/... http://www.kamikazeimages.net/monuments/akita/inde... http://www.kamikazeimages.net/writings/shimizu-kun... http://rwebs.net/dispatch/output.asp?ArticleID=49 http://www.navsource.org/archives/02/17.htm //www.worldcat.org/oclc/105915